Háo hức làm nhà mới, anh Việt Hùng, 50 tuổi, ngụ tại Tp.HCM làm cho mỗi con một phòng nhưng không sử dụng hết, hàng ngày hai vợ chồng phải khổ công dọn dẹp.
Dưới đây là câu chuyện xây nhà tốn kém và lãng phí của anh Hùng:
Học hết cấp 3, tôi quyết định lập nghiệp ở Tp.HCM rồi cưới cô bạn đồng hương làm vợ. Hai năm sau, chúng tôi sinh con đầu lòng và cũng mua được một ngôi nhà 30 m2 một tầng có thêm gác lửng làm chỗ an cư.
Đến năm 2010, chúng tôi đã sinh thêm 2 con nữa, cả gia đình gồm 5 người. Thấy ngôi nhà nhỏ không còn phù hợp, tôi quyết định vét toàn bộ tiền có được, xây một căn nhà thật to để các con ở thoải mái.
Trên mảnh đất 80 m2 mua được ở quận Tân Phú, chúng tôi xây ngôi nhà 4 tầng, có chừa ra 10 m2 làm sân vườn. Tôi làm tới 5 phòng ngủ để mỗi con có một phòng riêng, hai phòng còn lại một của vợ chồng tôi và một cho khách. Tất nhiên ngôi nhà còn có các không gian chức năng khác gồm phòng khách, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung và phòng thờ.
Suy nghĩ lúc đó của tôi chỉ là muốn các con có chỗ ở rộng rãi, sung sướng không phải khổ như mình trước đây.
Ngoài tiền mua đất, việc xây nhà và sắm đồ đạc mới đã ngốn của tôi 2,4 tỷ đồng. Lúc xây, giá thành hoàn thiện cơ bản ở Tp.HCM chỉ vào khoảng 4,5 triệu đồng/m2, nhà tôi tốn kém vì đầu tư nội thất đắt tiền và mất hơn một năm mới hoàn thiện. Tôi rất ưng vì ai cũng khen đẹp và sang trọng.
Có nhà mới, các con vào phòng riêng của chúng nhưng chỉ ở một hôm là lũ trẻ không thích vì nhà quá rộng. Hai cô con gái lớn muốn ở chung một phòng cho vui, còn cậu con út thì nhất định đòi ngủ chung với bố mẹ.
Sau 6 năm vào nhà mới, ngôi nhà đồ sộ gia đình tôi chỉ sử dụng một nửa, 2 tầng trên hoàn toàn bỏ trống. Con gái đầu lòng của tôi cũng đã vào đại học nhưng vẫn cứ ở cùng phòng với em gái, còn cậu út đã vào lớp 1 vẫn ngủ với bố mẹ.
Nhiều người xây nhà to rồi ở không hết gây lãng phí tiền bạc, thời gian
và công sức dọn dẹp. Ảnh minh họa: Dezeen.
Dù không ở nhưng vợ chồng tôi vẫn phải dọn dẹp 2 tầng phía trên mỗi tuần đôi lần, vậy mà bụi vẫn bám kín đồ dùng. Mỗi lần dọn cũng mất cả nửa ngày nên hai vợ chồng chẳng còn thời gian nghỉ ngơi. Tôi nghĩ tới viễn cảnh sắp tới sẽ chẳng còn dọn dẹp được nữa khi tuổi đã cao, các con thì sớm muộn cũng ra ở riêng. Một nửa ngôi nhà trở nên thừa thãi và lãng phí.
Mỗi lúc dọn dẹp xong, hai vợ chồng ngồi nghỉ mệt và lại hối tiếc. Nếu trước đây, chúng tôi không xây nhà quá hoành tráng thì sẽ không phải bán ngôi nhà 30 m2, giờ vừa nhàn thân vừa có thêm một khoản tiền từ việc cho thuê. Xây nhà nhỏ hơn, khoản tiền dư ra có thể giúp chúng tôi đầu tư vào nhiều thứ hiệu quả hơn, chứ không phải dọn dẹp không công mỗi tuần thế này. Ngoài ra, nhà rộng cũng khiến chi phí điện nước, chất tẩy rửa tốn kém hơn nhà nhỏ.
Về câu chuyện của ông Hùng, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (Tp.HCM) nhận xét, ông Hùng có thể xem xét giải pháp bán ngôi nhà to đang ở để mua một ngôi nhà phù hợp hơn với nhu cầu của gia đình. Ông Hải cũng khuyên dù có đủ tài chính xây nhà rộng rãi, nhiều phòng nhưng các gia chủ nên cân nhắc nhu cầu sử dụng vì có thể thay đổi theo thời gian. Khi lớn lên, nhu cầu về không gian sống của bọn trẻ sẽ thay đổi. Vì thế, chủ nhà nên hình dung về cuộc sống của gia đình trong tương lai 5, 10 năm sau khi xây nhà. Trước khi làm nhà, gia chủ cũng nên hỏi ý kiến của những người quen từng làm nhà trước đây để có lựa chọn phù hợp. Nên cân nhắc kỹ hoặc xin ý kiến của các thành viên về việc có cần thiết xây thêm phòng riêng hay không, từ đó chọn quy mô ngôi nhà phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng. “Tốt nhất không nên xây nhà quá nhiều phòng rồi bỏ trống, vừa tốn kém chi phí đầu tư ban đầu, vừa tăng thêm chi phí bảo trì về sau”, kiến trúc sư Hải khuyên. Với những gia đình chưa đủ tài chính mà tương lai cần nhà lớn hơn có thể ban đầu chỉ cần xây nhà ít tầng nhưng làm móng chờ sẵn, đến khi muốn mở rộng không gian sống, có thể cải tạo nâng tầng. Cách làm này sẽ đỡ lãng phí hơn làm nhiều tầng ngay từ đầu. |